T. Phúc Thịnh: Chào Cùng Học! Mình rất vui khi được chia sẻ với các bạn trong buổi phỏng vấn này!
T. Phúc Thịnh: Tất nhiên rồi. Mình đã công tác gần 38 năm trong nghề. Trước khi trở thành Hiệu trưởng, mình đã trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau. Sau khi tốt nghiệp Đại học, mình trở thành giáo viên dạy Toán, rồi đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Chuyên môn – môn Toán. Mình từng dạy bồi dưỡng cho học sinh giỏi cấp 1, cấp 2. Tiếp sau đó, mình công tác ở vị trí quản lý phòng Giáo dục về chuyên môn và bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên. Khi chuyển sang dạy tại trường liên cấp Tuệ Đức, mình trực tiếp giảng dạy trước khi lên làm Tổ trưởng, và hiện giờ đang đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng đồng thời quản lý Hội đồng chuyên môn của trường.
T. Phúc Thịnh: Ở mỗi vị trí công tác mình lại đối mặt với những thử thách khác nhau, và mỗi thách thức lại có điểm thú vị của nó. Thực lòng mà nói, mình luôn luôn thích đứng trên bục giảng, được trực tiếp giảng dạy.
Hiện nay, mặc dù vừa là Hiệu trưởng vừa là quản lý về chuyên môn, mình vẫn tổ chức những buổi giảng về phương pháp giảng dạy cho giáo viên cả trong và ngoài hệ thống trường Tuệ Đức. Bên cạnh đó, mình đang tổ chức hai nhóm học thêm gồm một số giáo viên khác. Hai nhóm được mình lập ra để nghiên cứu, thực hành và thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới mà mình mong muốn thực hiện hay thay đổi trong trường.
T. Phúc Thịnh: Điều đầu tiên trường Tuệ Đức yêu cầu giáo viên chúng mình là sắp xếp công việc vừa đủ cho một ngày. Mặc dù công việc rất nhiều, chúng mình luôn có một danh sách công việc cần hoàn thành trong ngày. Bên cạnh đó, chúng mình cũng sắp xếp một khoảng thời gian trong ngày dành riêng cho bản thân.
Mỗi ngày, mình cũng như các giáo viên trong trường dành 30 phút cho việc thiền. Đây là thời gian để lắng đọng, nhìn vào chính bản thân mình để điều tiết hơi thở. Ngoài ra, văn hóa trường Tuệ Đức có hoạt động “Tiếng chuông tỉnh thức” – cứ mỗi một tiếng đồng hồ trôi qua sẽ có một tiếng chuông vang lên, kéo dài 30 giây. Dù mọi người đang họp, thảo luận, học hành hay làm gì đi chăng nữa thì khi nghe tiếng chuông vang lên, tất cả học sinh và giáo viên sẽ yên lặng, dừng lại để kịp quan sát xem mình đã làm gì và chưa làm gì theo danh sách mình đã đặt ra.
T. Phúc Thịnh: Vâng. Bạn có thể hình dung, trong một cuộc họp về chuyên môn, hội đồng quản trị và các quản lý đang tranh cãi quyết liệt về một vấn đề nào đó. Mọi người đang muốn thể hiện ý tưởng tuyệt vời của họ, rồi cuộc thảo luận đi đến cao trào. Khi đó, tiếng chuông vang lên, mọi người dừng lại 30 giây để lắng đọng tinh thần. Sau 30 giây, quay lại cuộc họp, cách mọi người lắng nghe nhau và trình bày ý kiến sẽ khác hoàn toàn lúc trước đó. Không khí trở nên hiền hòa hơn, mọi người tôn trọng nhau hơn. Sau đó, các thành viên đi đến sự thống nhất và giải quyết vấn đề rất nhanh. Đó là “Tiếng chuông tỉnh thức” của trường Tuệ Đức.
T. Phúc Thịnh: Mình yêu thích khi được chứng kiến sự thay đổi của học sinh mình mỗi ngày. Dù sự thay đổi không lớn, nhưng đó là sự thay đổi liên tục từ ngày này qua ngày khác. Mình thường chia sẻ với đồng nghiệp của mình là “Chúng ta phải làm sao để ngày hôm nay không giống ngày hôm qua, nhưng cũng không trùng lặp với ngày mai.” Khi nói câu nói này, mình mong các giáo viên hãy tìm kiếm điều tích cực dù là nhỏ nhất ở học sinh và đồng nghiệp của mình. Quan trọng là, hãy luôn cố gắng cải thiện hoặc đem lại một điều mới mẻ cho ngày mai để nó khác với ngày hôm nay.
T. Phúc Thịnh: Chính xác là như vậy. Sự cải thiện mỗi ngày của học sinh chính là động lực để mình đam mê với công việc. Mình có thể kể một ví dụ. Có một bạn học sinh hồi đầu năm chỉ được điểm ba thôi. Nhưng sau một tháng, bạn đó gặp lại mình ở cương vị Hiệu trưởng, khoe rằng “Thầy ơi, bữa nay con làm bài tập tốt lắm. Hôm qua, con được cô cho điểm năm.” Nếu nhìn từ góc độ đánh giá thì sự tiến bộ này chỉ là rất nhỏ, chỉ ở mức trung bình mà thôi. Nhưng nếu đánh giá từ góc độ của học sinh, việc cải thiện từ ba điểm lên năm điểm là sự nỗ lực vượt bậc của em ấy. Mình quan trọng việc hình thành ở các em sự tự tin và làm các em tin tưởng rằng ngày hôm nay sẽ tốt hơn ngày hôm qua. Đó là động lực rất lớn để cho mình luôn đồng hành cùng các học trò của mình.
T. Phúc Thịnh: Quan điểm của mình là học sinh tới trường không phải tới chỉ để học, mà mình muốn làm sao để các em cảm thấy trường học như ngôi nhà thứ hai của các em, đúng như câu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.” Vì vậy, mình đã sử dụng chính sách “Cửa phòng Hiệu trưởng không bao giờ đóng.” Có nghĩa là khi học sinh có những chuyện mà các bạn thấy vui hoặc thấy ấm ức trong lòng, hoặc có đề xuất gì đó, các bạn có thể tới phòng Hiệu trưởng gặp mình bất cứ khi nào trong cả ngày ở trường, mình sẽ đón tiếp và lắng nghe các bạn.
Có người hỏi rằng khi áp dụng hình thức đó, mình lấy thời gian đâu để xử lý hết công việc. Thật ra trong tháng đầu tiên khi mình áp dụng chính sách này, công việc của mình bị đình trệ khá nhiều. Đã có rất nhiều học sinh tìm tới mình và chia sẻ. Vì vậy, mình đã phải làm việc rất cật lực.
Tuy nhiên, sau khoảng chừng một đến hai tháng, học sinh phát hiện ra là có những chuyện không cần phải tìm gặp thầy Hiệu trưởng mà có thể nói với giáo viên chủ nhiệm là có thể giải quyết được rồi. Khi đó, các em tìm tới mình ít hơn. Lúc này, học sinh dần dần chỉ tìm gặp mình để khoe về thành tựu mới đạt được và rất ít khi phản hồi về chuyện khó khăn, trừ trường hợp các em chưa giải quyết được. Trong trường hợp đó, mình sẽ cho các bạn lời khuyên để xử lý vấn đề các bạn đang gặp phải.
T. Phúc Thịnh: Tới bây giờ, mình vẫn ghi nhớ một kỷ niệm với học sinh của mình, nó không phải là một kỷ niệm đẹp. Đó là một sai lầm mình mắc phải khi mới ra trường. Nhờ có sai lầm đó, mình đã thay đổi hoàn toàn về cách tư duy, về cách kết nối với học trò và động viên, khuyến khích các em học tập.
Hồi đó, mình mới tốt nghiệp Đại học được hai năm. Lúc ấy, mình đang áp dụng quan niệm thời xưa vào cách mình giảng dạy là “Yêu cho roi cho vọt.” Mình quản lý học sinh bằng hình thức “Bàn tay sắt,” nghĩa là tất cả những hành vi vi phạm của học sinh đều bị trừng phạt. Năm đó, mình được giao vị trí chủ nhiệm của một lớp cá biệt nhất trong toàn trường. Mình áp dụng hình thức “Bàn tay sắt” trong hai tháng đầu tiên khi ở vị trí chủ nhiệm. Sang tháng thứ ba, các hành vi chống đối bắt đầu xảy ra.
Có một số em học sinh trong lớp lên kế hoạch chặn đường mình và “xử đẹp” ông thầy chủ nhiệm. Khi một nhóm các bạn lên kế hoạch như vậy, cũng có một nhóm thứ hai trong lớp không muốn ông thầy bị “ăn đòn” nặng quá. Các bạn nhóm thứ hai đó tìm cách làm sao để cản được nhóm thứ nhất để tránh hành động quá nặng tay. Rồi có nhóm thứ ba gồm các bạn nữ, thấy làm như vậy không đúng với đạo lý thầy trò nên tìm cách ngăn cản hai nhóm kia. Các em đã theo dõi mình suốt một tháng ròng rã, lên kế hoạch chi tiết là sẽ chặn mình lại khi nào, bằng cách nào. Các em đã lên kế hoạch rất chi tiết, nhưng vì vẫn giằng co về việc làm như vậy thì không đúng với đạo lý nên chưa dám làm.
Tuy vậy, mình đã gặp may mắn ngày hôm đó, nhờ thế mà tránh được tình huống này. Tình cờ ở thời điểm ấy, trong lớp có em Trương đang bị sốt xuất huyết, nghỉ học tới ba ngày vẫn chưa thấy đi học. Bố mẹ em ấy lại đi làm rẫy rất xa, cách nhà tới mười mấy cây số. Tối hôm đó, mình đạp xe tới nhà em học sinh này để xem vì sao em nghỉ học. Tới nơi, mình thấy bạn đó nằm trên giường, đang sốt rất cao. Xung quanh không có đồ ăn gì ngoài một chén cháo nguội ngắt đang bỏ dở vì bạn ấy sống một mình. Mình liền thuê xe ôm chở bạn ấy xuống bệnh viện và thức nguyên đêm trông bạn ở đó. Ngày hôm sau, mình đạp xe lên điểm làm rẫy của bố mẹ bạn ấy để thông báo và dẫn bố mẹ bạn ấy về.
Nhờ hành động ấy, các bạn khác trong lớp nhận ra mình không ác như các bạn nghĩ và thấy được tình yêu thương mình dành cho học trò, nên các bạn đã hủy kế hoạch “chặn đường” mình. Có một bạn nữ đã nói với mình là “Thầy ơi, nếu thầy đối xử với tụi con giống như với bạn Trương thì tụi con nghĩ lớp mình sẽ tốt hơn rất nhiều.” Mình suy nghĩ về lời góp ý đó suốt một tuần và sau đó, mình thay đổi hoàn toàn cách quản lý lớp. Lớp mình chủ nhiệm từ một lớp cá biệt đã trở thành lớp nhất trường vào cuối năm học.
Khi mình mới thay đổi, các bạn cũng dè chừng, nhưng sau đó thấy được là mình đã thật lòng thay đổi, các bạn bắt đầu kết nối với mình nhiều hơn. Vì sao mình biết được câu chuyện này? Đó là khoảng 25 năm sau, trong buổi họp lớp, các bạn đã mời mình về gặp mặt. Trong bữa ăn, bạn mà tính hăm he đánh mình mới nói rằng “Giờ tụi em tính kể thầy một bí mật mà tụi em chắc chắn thầy không biết,” rồi các bạn kể ra toàn bộ câu chuyện là như vậy. Điều đó làm mình rất cảm động. Đó chính là một kỉ niệm khiến mình ghi nhớ suốt đời.
T. Phúc Thịnh: Mình đặt ra ba mục tiêu cho bản thân ở thời điểm hiện tại. Thứ nhất, mình muốn xây dựng ngôi trường của mình đúng nghĩa một ngôi trường hạnh phúc. Mục tiêu thứ hai là làm sao cho đồng nghiệp và học sinh của mình trải nghiệm ngày hôm nay không giống với ngày hôm qua và khác với ngày mai, như mình đã giải thích ban đầu. Thứ ba, mình luôn cố gắng học hỏi mỗi ngày để thực hiện công việc tốt hơn.
T. Phúc Thịnh: Ở trong hệ thống trường của mình, cả giáo viên và học sinh đều được chăm sóc về mặt tinh thần. Về khía cạnh học sinh, trường mình tự hào là một trong số rất ít các trường ở Việt Nam có chuyên viên tâm lý học đường đúng nghĩa. Tuệ Đức có ba chuyên viên tâm lý phụ trách cho 1,500 học sinh ở cả ba cấp học. Bên cạnh chuyện dạy về văn hóa, chúng mình còn cung cấp cho học sinh rất nhiều hoạt động khác để giúp các em có được sự cân bằng về tinh thần. Không chỉ giáo viên mà học sinh mỗi ngày dành ra 30 phút ngồi thiền và 30 giây sau mỗi tiếng đồng hồ cho hoạt động tỉnh thức. Cuối ngày, các em có 10 phút cho hoạt động “Vòng tròn hồi hướng.” Nghĩa là sau khi kết thúc ngày học hôm đó, bàn ghế được xếp gọn vào một chỗ, cô và trò sẽ ngồi thành một vòng tròn và chia sẻ hôm nay điều gì làm các con vui, điều gì làm các con không vui.
Ngoài ra, trường Tuệ Đức đang thực hiện dự án 3S kéo dài từ năm học 2019-2020 cho tới sang năm. 3S bao gồm ba dự án con. Dự án con thứ nhất là bảo vệ môi trường sống mang tên “Sạch sẽ”. Trường mình đã phát động học sinh và giáo viên hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, Học sinh khi đi học sẽ mang theo chai nước thủy tinh, còn giáo viên được nhà trường cung cấp hộp để mua đồ ăn sáng, không lấy hộp xốp hay bao nilon.
Dự án con thứ hai là “Sinh sống,” đó là phát động trồng cây trong trường học, lớp học. Ở góc sân nhỏ, thầy và trò trồng một số loại cây xanh ở đó. Khi lứa mướp đầu tiên bắt đầu ra trái, nhà trường đã thực hiện đấu giá trong cộng đồng phụ huynh học sinh. Việc này nhằm gây quỹ thiện nguyện giúp các bạn học sinh miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vào khoảng tháng 10 năm ngoái. Qua đây, chúng mình tạo được tinh thần bảo vệ môi trường xanh, đồng thời xây dựng cho học sinh tinh thần thiện nguyện.
Dự án thứ ba là “Sách cũ cho năm học mới.” Sau khi kết thúc năm học, học sinh sẽ trao lại sách đã sử dụng cho thư viện nhà trường. Các em sẽ tự dán bao bìa, đóng gói, chia theo từng bộ để năm sau các bạn lớp dưới tiếp tục sử dụng. Chúng mình muốn dạy cho học sinh ý thức tiết kiệm sách để bảo vệ những cánh rừng và sự sống cho hành tinh này.
T. Phúc Thịnh: Các khóa học trên Cùng Học cung cấp cho mình hệ thống kiến thức được sắp xếp bài bản. Nếu Cùng Học được lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng giáo viên nước mình, dự án sẽ giúp giáo viên có được tư duy và những thay đổi tích cực, xa hơn là thay đổi được bản chất của nền giáo dục Việt Nam.
Mình thích nhất khóa “Nhu cầu và động lực của học sinh”. Nếu giáo viên không trải nghiệm khóa học này, họ đang bỏ qua một nền tảng tốt trong công tác của mình. Khi giáo viên hiểu được nhu cầu và động lực của học sinh, chúng ta sẽ có cách tiếp cận tốt hơn và tạo ra những giờ học thú vị hơn cho các em.
T. Phúc Thịnh: Sau khi học xong khóa “Thiết kế sư phạm căn bản,” mình phát hiện ra mình có thể áp dụng kiến thức từ đây để soạn giáo án trên lớp. Mình đã có được góc nhìn mới về giáo án, giáo án mình soạn có thể không dài hơn nhưng chắc chắn chất lượng hơn.
T. Phúc Thịnh: Trong một số buổi chia sẻ về chuyên môn với đồng nghiệp của mình, mình cũng trình bày một số kiến thức học được từ các khóa học cho các bạn và giới thiệu là mình đúc kết được từ Cùng Học chứ không phải ở đâu xa. Từ đó, mình gợi sự tò mò ở giáo viên và động viên họ chỉ cần học thử một khóa trên nền tảng thôi. Nếu các bạn ấy thấy hứng thú, các bạn sẽ có động lực học tiếp khóa thứ hai, thứ ba.
Thực hiện: Cẩm Tố, 17/07/2021