Tên sách: How will you measure your life?
Tựa sách tiếng Việt: Thước đo nào cho cuộc đời bạn
Tác giả: Clayton M. Christensen, James Allworth & Karen Dillon
Năm xuất bản: 2012
Có rất nhiều sách nói về ý nghĩa của cuộc đời. Nhưng How will you measure your life (Thước đo nào cho cuộc đời bạn) vẫn rất đặc biệt khi nói về hạnh phúc dưới góc nhìn của một nhà cải cách kinh doanh.
Sau thành công vang dội của cuốn The Innovator’s Dilemma năm 1997 (bản dịch tiếng Việt là “Thế lưỡng nan của nhà cải tiến”), giáo sư Clayton M.Christensen được mời thực hiện bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp tại Harvard Business School năm 2010. Ông đã nói về ý nghĩa cuộc đời, về định hướng đi tìm hạnh phúc trong cuộc sống. Và ông giải thích tại sao những người thành đạt thường dễ rơi vào cạm bẫy dẫn đến đau buồn. Bài phát biểu đã lay động tất cả những ai được nghe và tạo ra sức ảnh hưởng to lớn.
How will you measure your life được hoàn thành và xuất bản năm 2012 để tiếp nối câu chuyện ngày ấy. Cuốn sách chỉ gói gọn trong khoảng hai trăm trang với ba câu hỏi lớn:
Làm thế nào biết chắc tôi sẽ thành công và cảm thấy hài lòng trong sự nghiệp?
Làm thế nào đảm bảo rằng các mối quan hệ với vợ chồng, con cái, cả đại gia đình, và hết thảy bạn bè thân sẽ là nguồn hạnh phúc vô tận?
Làm thế nào để giữ vững cuộc sống chính trực liêm khiết ở đời này?
Sự nghiệp – Các mối quan hệ – Cuộc sống chính trực, chính là ba chương lớn của cuốn sách. Tất cả đều là trăn trở của hầu hết những người trẻ chuẩn bị bước ra đời và cả những người đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Nhưng điểm sáng nhất, theo tôi, nằm trong một phần nhỏ của chương hai, là thông điệp về việc dạy dỗ con trẻ.
“Giúp con trẻ học cách xử lý những việc khó khăn là một trong những vai trò quan trọng nhất của người làm cha mẹ. Chúng cần được trang bị thật tốt cho việc đối đầu với những thử thách mà cuộc đời sẽ quăng vật vào chúng.”
Không chỉ thế, việc cho con trẻ có cơ hội được học từ việc phạm sai lầm và gặp phải thất bại còn quan trọng ở chỗ người làm cha mẹ đóng vai trò gì trong quá trình đó. Họ nên đứng cạnh con mình hay phó mặc cho một ai khác?
Giống như việc may áo quần hay trồng rau củ. Ban đầu chúng ta tự mua vải rồi tự đo và tự may, tự mua hạt giống và tự nuôi trồng. Rồi chúng ta phát hiện có thể mua tất cả mọi thứ. Và thế là chúng ta dành thời gian đi làm kiếm tiền rồi dùng tiền để mua mọi thứ. Bao gồm cả việc dạy dỗ con cái chúng ta.
Cứ như thế, các bậc cha mẹ đã và đang đẩy việc dạy dỗ con mình cho một bên thứ ba, y như các công ty đã và đang chuyển giai đoạn gia công sản xuất sản phẩm sang các nước khác để được lợi về mặt chi phí.
Hạnh phúc của những đứa trẻ, hạnh phúc của những người làm cha mẹ, trước hết và sau hết chính là mối quan hệ chia sẻ và trải nghiệm cùng nhau trong suốt cuộc đời, mà không ai khác có thể làm thay được.
Bên cạnh phần nội dung đầy ý nghĩa thực tiễn, cuốn sách còn thu hút độc giả bởi lối kể chuyện giàu xúc cảm và lay động mạnh mẽ trái tim người đọc. Christensen vừa lồng ghép những lời tự sự về trải nghiệm của bản thân, lại vừa mô tả sống động những tình huống có thật về cuộc chạy đua của các tập đoàn và doanh nghiệp. Qua đó, ý nghĩa của hạnh phúc được truyền tải một cách sâu sắc.
Và nhờ vậy mà How will you measure your life (Thước đo nào cho cuộc đời bạn) tạo được nguồn động lực thực sự về việc xây dựng hệ giá trị sống, cho những người trẻ và cả người đã nghỉ hưu, cho cả sinh viên và giáo viên, cho những người đang lơ lửng tưởng chừng như đã thành công trong sự nghiệp và những người đang theo đuổi sự nghiệp làm cha mẹ.
Trâm Lê giới thiệu
Bài đăng trên Dạy&Học số 6, tháng 12, 2018